BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM MÙA HÈ
admin Quang Tiến
2024-06-29T07:06:00-04:00
2024-06-29T07:06:00-04:00
https://quangtien.thaihoa.nghean.gov.vn/index.php/tin-tuc-su-kien/bai-tuyen-truyen-ve-an-toan-thuc-pham-mua-he-nam-2024-149.html
https://quangtien.thaihoa.nghean.gov.vn/uploads/news/2024_06/11.jpg
Trang thông tin điện tử phường Quang Tiến - Thị xã Thái Hòa - Nghệ An
https://quangtien.thaihoa.nghean.gov.vn/uploads/logo.jpg
Thứ bảy - 29/06/2024 07:02
Thời tiết nắng nóng của mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển, hàng hóa không đảm bảo chất lượng ngày càng tràn lan ngoài thị trường. Khâu chế biến của một số cơ sở kinh doanh, buôn bán không đảm bảo vệ sinh ATTP. Số lượng bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thức ăn cũng tăng lên. Vì vậy, hãy cẩn thận với nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè nắng nóng này.
Mùa hè thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (vi sinh vật, hoá chất, thực phẩm chứa chất độc tố tự nhiên) chưa được kiểm soát. Trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: cá, hải sản, sữa.. nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc là rất cao. Thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn đã có thể nhân lên gây ngộ độc thực phẩm.
Một thực tế đáng lo ngại là nguy cơ gây ngộ độc chủ yếu từ những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo VSATTP. Thêm vào đó, thức ăn đường phố phần lớn không rõ nguồn gốc; quán xá nằm ở vỉa hè, sát đường giao thông, nếu bụi, nấm mốc và khí thải như xăng dầu nhiễm vào thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao.
Người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Rau quả chỉ có thể bảo quản được từ 3-5 ngày. Chú ý khâu vệ sinh tay và dụng cụ ăn uống trong quá trình chế biến thực phẩm. Đối với tủ lạnh, ngoại trừ ngăn đá là vi khuẩn không phát triển được, còn các ngăn làm lạnh khác chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, nếu đưa quá nhiều thứ vào tủ lạnh, không khí không lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo, thực phẩm sống để cùng với thức ăn đã được nấu chín sẽ làm cho thực phẩm nhanh hỏng. Đặc biệt, nên chú ý ăn chín, uống sôi đề phòng ngộ độc thực phẩm.
Người tiêu dùng hãy là người thông thái, cần nắm được những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh cũng như cách bảo quản thực phẩm. Hãy lựa chọn những thực phẩm đảm bảo, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mua về chế biến thức ăn cho gia đình, đảm bảo sức khỏe cho thành viên gia đình. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm hãy thực hiện đúng Luật ATTP, nguồn hàng nhập vào để sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Kinh doanh sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm là góp phần phòng tránh ngộ độc cho người tiêu dùng./.
T/h Thái Kim