PHÒNG CHỐNG CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP TRONG MÙA MƯA LŨ

Thứ ba - 19/09/2023 22:58
        Vào mùa mưa, lũ lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Hơn nữa, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người. Một số bệnh thường gặp phải trong mùa mưa, lũ lụt  cụ thể:
        1. Sốt xuất huyết:
        Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa bão các bệnh phát sinh do các véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi. Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.
       2.  Bệnh đường hô hấp:
       Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp: Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp. Ho dai dẳng là phản xạ rất khó chịu của các bệnh hô hấp. Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người mắc các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Khi gặp các triệu chứng trên, mọi người cần đi khám để điều trị, tránh biến chứng phức tạp.
          3.  Các bệnh về da:
         + Sau mùa mưa: Do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa...
         + Nước ăn chân: Thực chất là bị nhiễm nấm. Do chân tay ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.
        + Ghẻ: Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Căn nguyên do ký sinh trùng xâm nhập da. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.
        + Viêm nang lông: Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.
        +  Chốc lở: Là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi giập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.
        + Viêm kẽ do vi khuẩn: Cũng do thiếu nước sạch vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có tên gọi Corynebacterium minutissimum phát triển và gây bệnh. Vị trí dễ bị viêm là hai bẹn, nách, cổ và nếp lằn vú ở phụ nữ. Thương tổn là những đám da màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng, hầu như không ngứa, trừ phi bị ở bẹn có cảm giác châm chích khó chịu.
          4. Bệnh tiêu chảy cấp
         Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa lũ. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...). Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.
         5. Đau mắt đỏ
         Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mùa mưa. Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, bệnh do virus hoặc do vi khuẩn gây ra.
        Là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa.
       Biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ:
      - Trẻ thấy cộm, ngứa và đau ở mắt kèm cảm giác nặng mi, sợ ánh sáng và chảy nước mắt.
       - Mắt trẻ ra nhiều ghèn đặc, màu trắng đục, vàng hoặc xanh, có thể gây dính mi, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Ghèn sau khi lau xong thường xuất hiện lại rất nhanh.
       - Kết mạc mắt bị sung huyết, phù đỏ, kết mạc nhãn cầu có thể bị phù nề ra ngoài
       - Hai mí mắt trên, dưới có thể bị sưng phù
     - Các triệu chứng thường xảy ra ban đầu ở một bên mắt, sau đó vài ngày lan sang mắt bên kia. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cả hai mắt cùng bị viêm đau một lúc.
       - Nếu viêm kết mạc đơn thuần, thị lực của trẻ có thể không bị giảm. Tuy nhiên, nếu xuất tiết tập trung ở giác mạc và trẻ chảy nước mắt nhiều, trẻ có thể có cảm giác sương mù, nhìn kém hơn bình thường.
       Đường lây bệnh:
       - Lây qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus.
       - Chạm tay vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, đồ chơi, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Dùng chung đồ dùng như khăn mặt, gối.
       - Sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ở bể bơi….
       - Thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
       - Lây qua vật trung gian là ruồi/nhặng.
       - Lớp học đông học sinh, cự ly gần rất dễ lây bệnh.
       Cách phòng bệnh:
       - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
       - Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
       - Không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt.
     - Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.
       - Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
      - Khi bị đau mắt đỏ cần phải nghỉ học để tránh lây nhiễm cho các bạn xung quanh và lây lan trong trường học.
       - Đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
        Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập, có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này nên các bậc phụ huynh luôn có ý thức phòng bệnh tốt và cần được can thiệp kịp thời khi trẻ mắc bệnh.
         6.  Khuyến cáo phòng bệnh trong mùa mưa:
       Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Giữ vệ sinh cơ thể, sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
         Người dân cần chú ý:  Thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng bệnh sốt xuất huyết. Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý điều trị tại nhà, bệnh không khỏi mà còn lây lan nhanh./.
Thái Kim
                               
 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây