Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tại Việt Nam còn gọi là ngày Tết thiếu nhi, từ lâu đã được coi như một ngày hội lớn của trẻ nhỏ. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.
Ngày Quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn và khó quên của nhân loại. Sự kiện xảy ra vào những năm 1942-1944. Rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt đi 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, hơn 88 em đã chết trong phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Hai năm sau, ngày 10/06/1944, chúng lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp). Chúng dồn hơn 400 người vào trong một nhà thờ, trong số đó có rất nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em rồi phóng hoả đốt cháy toàn bộ nhà thờ đó. Đó là những tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít khiến toàn nhân loại căm phẫn tột cùng và đau xót cho những đứa trẻ vô tội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội.
Chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và nhìn chung là tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững.
Năm 1949, Liên đoàn phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, đòi chính phủ các nước chịu trách nhiệm về quyền của trẻ em. Từ đó đến nay, tổ chức phụ nữ thanh niên các nước đã chính thức lấy ngày này làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống lại các thế lực xấu gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới.
Các tổ chức và cá nhân hãy đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình; đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương.
Bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã. Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực. Thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi.
Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên và liên tục, toàn diện và lâu dài. Hãy để trẻ em được hưởng thụ quyền lợi chính đáng và có điều kiện để vươn tới ước mơ cao đẹp./.
BBT TRANG TTĐT PHƯỜNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn